Ngày 10/11/2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Lạm phát, lạm phát kỳ vọng và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh mới”. Tại Hội thảo, Nhóm nghiên cứu mạnh của UEL đã công bố website lamphatkyvong.uel.edu.vn - một sản phẩm nghiên cứu ứng dụng tiêu biểu của nhóm thời gian qua.
Hội thảo có sự tham dự của TS Nguyễn Tú Anh – Ban Kinh tế Trung ương, TS Phùng Ngọc Bảo – Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực tại miền Nam Tạp chí Cộng sản, Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, PGS.TS Lê Tuấn Lộc – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng UEL, GS.TS Nguyễn Thị Cành – Cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng (IBT) – UEL, cùng các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và khoa học dữ liệu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết từ năm 2019, với sự hỗ trợ của ĐHQG-HCM, UEL đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu về phát triển bền vững kinh tế và tài chính. Trong khuôn khổ của Hội thảo, nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giới thiệu một số kết quả đạt được từ nghiên cứu ban đầu, và cung cấp thêm cơ sở khoa học cho công tác hoạch định chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong năm 2024. Hội thảo cũng nhằm mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý từ các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận để đánh giá những kết quả mà nhóm nghiên cứu công bố, đồng thời, đưa ra những đề xuất, gợi ý cho định hướng nghiên cứu của nhóm và cho chính sách tài chính – tiền tệ Việt Nam trong thời gian tới.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết đơn vị đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật. Ở góc độ địa phương, nghiên cứu đã hỗ trợ cho việc thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn TP.HCM, hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và trực tiếp phục vụ cho hoạt động của tổ hoạch định chính sách tài chính – tiền tệ của UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo tập trung vào bốn nội dung chính: Giới thiệu kết quả “Nghiên cứu lạm phát kỳ vọng” của nhóm nghiên cứu mạnh và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo; Vai trò chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam; Lạm phát kỳ vọng và ứng dụng của Việt Nam; Ứng dụng máy học dự báo lạm phát của Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Thị Cành - Cố vấn cao cấp Viện IBT – UEL giới thiệu kết quả “Nghiên cứu lạm phát kỳ vọng” của nhóm nghiên cứu mạnh và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo
TS Nguyễn Tú Anh – Ban Kinh tế Trung ương trình bày tham luận “Vai trò của tiền tệ trong gây ra lạm phát và chống lạm phát: một số quan sát”
TS Lê Đức Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện IBT – UEL trình bày tham luận “Ứng dụng máy học dự báo lạm phát của Việt Nam”
Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng (IBT), Trường Đại học Kinh tế - Luật, TS Phạm Thị Thanh Xuân trình bày kết quả nghiên cứu về kỳ vọng lạm phát, gồm cách đo lạm phát nhận thức, lạm phát kỳ vọng, hiệu ứng loss aversion trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời công bố website https://lamphatkyvong.uel.edu.vn/, một sản phẩm ứng dụng thuộc khuôn khổ chương trình nghiên cứu trọng điểm của Viện IBT – UEL. Website có giá trị ứng dụng thiết thực và hiện đã được chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương sử dụng như một kênh tham khảo phục vụ công tác điều hành vĩ mô.
TS Phạm Thị Thanh Xuân – Phó Viện trưởng Viện IBT – UEL trình bày tham luận “Kỳ vọng lạm phát: đo lường và ứng dụng”
Tại phiên thảo luận, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự Hội thảo tập trung thảo luận và chia sẻ về triển vọng kinh tế năm 2024, mà cụ thể là triển vọng chính sách tiền tệ 2024. Một số nhà khoa học tham dự Hội thảo nhận định, có thể đến cuối năm 2024, các tín hiệu, chỉ số khả quan cho tình hình kinh tế Việt Nam mới xuất hiện.
Phiên thảo luận tại Hội thảo
Các khách mời, nhà khoa học và doanh nghiệp chụp hình lưu niệm
Hội thảo là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu phục vụ, giải quyết các bài toán từ yêu cầu thực tiễn và hoạt động tư vấn, phản biện chính sách mà Trường Đại học Kinh tế - Luật tích cực thực hiện, đáp ứng nhu cầu của các địa phương nói riêng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông